Totto-chan bên cửa sổ có thể coi như hồi ức thời thơ ấu của bà Kuroyanagi Tetsuko, một câu chuyện thật về một ngôi trường Tomoe có thật và thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku là một con người có thật, thế mà người đọc sách lại có cảm tưởng như bước vào một giấc mơ.
Ngôi trường Tomoe quả là một ngôi trường lạ lùng độc đáo, các lớp học đều làm bằng những toa tầu hỏa cũ được sửa lại. Khi vào lớp các bạn không phải ngồi đúng chỗ quy định mà có thể mỗi ngày ngồi một chỗ nào tùy thích. Giờ học cũng không phải theo đúng thời khóa biểu mà các bạn có thể tùy chọn môn học nào bạn ưa thích nhất thì học trước. Ui chao! Đúng là một giấc mơ nhà trường mà cho đến bây giờ chưa ở đâu thực hiện được đấy thôi.
Tác giả cuốn sách đã có một giọng kể chuyện thật dịu dàng, bà nhỏ nhẹ đưa người đọc đến những cảm giác ngây thơ trong sáng của tuổi nhi đồng. Từng trang sách nhỏ như chia sẻ những giây phút rung động ngơ ngác trước những chuyện chưa hiểu chưa biết nổi, những đòi hỏi tưởng như vô lý và rất dễ bị người lớn thô bạo gạt phắt đi. Hãy hiểu trẻ em hơn nữa, đọc những trang sách Totto-chan bên cửa sổ, ta như nghe thấy tiếng nhắc nhở thầm thì ấy, đừng vội vàng cư xử cứng nhắc áp đặt với trẻ em, hãy lắng nghe tiếng trái tim các em đang đập rung rinh non nớt. Thầy hiệu trưởng Kobayashi đã ngồi cả một buổi sáng để nghe một cô bé học sinh mới vào học kể chuyện huyên thuyên và cô bé đó sung sướng biết bao được nhận vào học ở mái trường thân thiện này. Có lẽ ở trường Tomoe, một ngày đến trường là một ngày vui thực sự. Trong bữa ăn, thay vì phải nghe những câu giảng giải dài dòng, món này bổ, món kia có lợi cho sự phát triển của cơ thể, các học sinh trường Tomoe được thầy hiệu trưởng gọi giản dị "Món của biển và món của núi". Các bạn học sinh sẽ tự tìm hiểu được món ăn nào từ biển, món ăn nào từ núi, như vậy các bạn sẽ thích thú với những món ăn mà bố mẹ đã chuẩn bị cho mình, và sẽ ăn thật ngon miệng đấy!
Kể lại một ngôi trường mà mình đã từng học, tác giả cuốn sách đã viết từ ký ức của tuổi thần tiên và hơn nữa bà đã viết bố cục cuốn sách thành từng chương rất ngắn gọn, gợi mở rành mạch sáng sủa. Totto-chan bên cửa sổ quả là một tác phẩm văn học mẫu mực dành cho thiếu nhi.
11. TETSUKÔ KURÔYANAGI Tot to chan cô bé bên cửa sổ/ Tetsukô Kurôyanagi; Phí Văn Gừng, Phạm Duy Trọng dịch.- H.: Văn hoá Thông tin, 2004.- 259tr.; 21cm. Chỉ số phân loại: KPL TK.TT 2004 Số ĐKCB: TK.00214, TK.00222, TK.00212, |
Cuốn sách đã viết về một ngôi trường trong thời kỳ chiến tranh của nước Nhật với rất nhiều thiếu thốn, đến nỗi phải dùng tầu hỏa bỏ đi để làm lớp học cho trẻ em. Đời sống của người Nhật khi đó còn gian khổ và bất an. Ngôi trường còn bị bom Mỹ phá hủy nữa. Ấy thế mà vẻ đẹp văn hóa tỏa ra từ tâm hồn trong sáng của các nhân vật của câu chuyện đã làm nên sức thuyết phục kỳ diệu đối với người đọc. Các em học sinh và cả các thầy cô giáo chúng mình hãy đọc Totto-chan bên cửa sổ và mở những trang sách ấy bằng những ngón tay nhẹ nhàng, ta sẽ hiểu vì sao tác giả cuốn sách đã trở thành Đại sứ thiện chí của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc và là người Châu Á đầu tiên ở vị trí này. Cuốn sách “Totto-chan bên cửa sổ” nằm trong tủ sách thiếu nhi của thư viện nhà trường các em nhé!